So với vóc dáng một cậu bé 15 tuổi, Trần Văn Huân trông gầy nhom, lọt thỏm trong bộ quần áo sờn cũ. Em đội mũ lưỡi trai che mặt, tảng lờ những ánh mắt xung quanh về mùi hôi bốc ra trên người mình. Túi ni-long đựng chất thải được Huân giấu cẩn thận sau lớp áo khoác dày. Ngày hôm nay, em cùng mẹ đến Quỹ Nâng Bước Tuổi Thơ tìm cơ hội chữa lành sai lầm của tạo hóa.
Mẹ Huân kể, ngay từ lúc mới sinh, em đã không có hậu môn như mọi em bé bình thường. Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh lúc đó phải phẫu thuật khẩn cấp để mở một đường dẫn tạm bên hông cho em, theo đó phân sẽ được đào thải qua con đường tạm này để không gây nguy hiểm đến tính mạng của cậu bé. Bác sĩ dặn khi em đủ lớn và cứng cáp, Huân phải được phẫu thuật lần nữa để tái tạo hậu môn như người bình thường. Thế nhưng chính cái nghèo, cái khổ và khả năng hiểu biết về y tế hạn chế ở vùng sâu, khiến ba mẹ em quen dần và chấp nhận đứa con dị tật như một điều hiển nhiên.
Và suốt 15 năm đầu đời, chưa bao giờ cậu bé Huân được quay trở lại bệnh viện để được chữa lành. Rồi bố mất sớm, Huân được cưu mang bởi bà ngoại, sau đó em theo mẹ di cư từ Quảng Nam đến vùng sâu tỉnh Đak Lak sinh sống. Vô tình, chiếc túi “cứu mạng” ngày ấy lại là nguyên nhân để cậu bé Huân phải trải qua những tháng ngày tuổi thơ đầy cô độc.
“Con ước mình cũng được bình thường giống các bạn…”, cậu bé có nước da đen nhẻm ngước đôi mắt sáng nhìn lên trời. Mấy năm gần đây, Huân đang ở cùng mẹ và gia đình mới của mẹ. Huân lớn lên nhờ những bữa cơm trắng chan nước muối trộn rau rừng. Ban ngày, Huân đi chăn bò, hái cà, làm rẫy thuê kiếm tiền phụ mẹ. Tối tối, em ngồi bên giường chăm chú nhìn cô em gái nhỏ đang học lớp Hai được tập viết dưới ánh đèn.
Ước mơ chạm tay vào con chữ là điều Huân chưa từng nghĩ tới, khi em luôn bị mọi người xa lánh vì mùi hôi bốc ra từ chiếc túi đeo lủng lẳng bên người. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ, mười lăm tuổi đã là quá muộn để đến trường. Em nghĩ rằng dẫu có được đi học thì chắc cũng không có gì vui đâu, vì lớp áo khoác dày trên người cũng không đủ sức giúp em thoát khỏi những lời miệt thị và hắt hủi từ bạn bè.
Có lẽ vậy nên khi biết tin các bác sĩ Bệnh viện FV có thể chữa lành cho em, Huân vẫn chưa thể tin đó là sự thật, em cứ hỏi đi hỏi lại “Con sẽ khỏi bệnh thật ạ? Phẫu thuật có đau không ạ? Con sợ đau lắm…”. Nỗi lo lần đầu tiên đi mổ của cậu bé, bất ngờ thay, lại là may mắn đối với ê-kip bác sĩ. Bởi “việc Huân chưa từng được tạo hình hậu môn là cơ hội giúp ca phẫu thuật thêm khả năng thành công, giảm đau đớn cho bệnh nhân cũng như hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng”, bác sĩ Lê Nguyễn Yên – khoa Tiết Niệu Nhi Bệnh viện FV, cũng là bác sĩ phẫu thuật chính cho em nhận định.
Đối với trẻ bẩm sinh không có hậu môn, phẫu thuật tạo hình cần được tiến hành sớm từ lúc vài tháng tuổi. Do đó, với trường hợp 15 tuổi của Huân, bác sĩ Yên cho biết kỹ thuật mổ khá phức tạp, quá trình phẫu thuật kéo dài đồng thời đòi hỏi thời gian điều trị lâu hơn so với những ca thông thường.
Cũng trong quá trình thăm khám, các bác sĩ phát hiện, ngoài dị tật không hậu môn, Huân còn mắc dị tật lỗ tiểu lệch thấp dạng nặng. Vị trí lỗ tiểu của em nằm thấp hơn so với bình thường và cách khá xa đỉnh quy đầu. Điều này khiến ca mổ sắp tới của Huân phức tạp hơn dự kiến.
Sửa lại khiếm khuyết của tạo hóa
Chỉ còn hai ngày nữa là Huân bước vào cuộc phẫu thuật quan trọng. “Con vẫn chưa biết ước mơ của mình là gì. Bây giờ con chỉ mong mổ xong được mẹ cho về Quảng Nam thăm bà ngoại”, em siết nhẹ lon Pepsi trên tay, nhìn bâng quơ ngoài cửa sổ. “Con nhớ Ngoại lắm. Ngoại bảo con ráng mau lành bệnh rồi về đây ở với Ngoại suốt đời”.
Pepsi là thứ nước ngọt mà Huân thích ở căn tin Bệnh viện FV, giống như suất cơm hằng ngày có thịt lợn, thịt gà… những món khoái khẩu mà cậu bé vùng cao chỉ dám nhìn trên ti vi ao ước. Chị Trần Trúc Quỳnh – Quản lý Quỹ Nâng Bước Tuổi Thơ chia sẻ, “Thể trạng của Huân gầy gò, suy dinh dưỡng nên những ngày này, em cần được lo cho ăn uống đầy đủ thì mới đảm bảo đủ sức khỏe cho ca phẫu thuật quan trọng sắp tới”.
Trong lần phẫu thuật này, Huân sẽ được các bác sĩ tạo hình hậu môn, đồng thời phẫu thuật dị tật lỗ tiểu lệch thấp. Toàn bộ chi phí điều trị của Huân, và toàn bộ chi phí lưu trú, sinh hoạt của hai mẹ con em tại Sài Gòn sẽ được Quỹ Nâng Bước Tuổi Thơ tài trợ. Trước Huân, Quỹ Nâng Bước Tuổi Thơ từng tiếp nhận trường hợp bé Đinh Duy Khánh (9 tháng tuổi) mắc dị hậu hậu môn trực tràng. Tuy nhiên, vì bé bị suy dinh dưỡng nặng nên bác sĩ đã đề nghị đến khi Khánh đủ cân nặng và sức khỏe thì mới tiến hành phẫu thuật cho em.
“Huân là trường hợp đầu tiên Quỹ hỗ trợ điều trị chứng bệnh này. Chỉ mong sao ca mổ của em diễn ra thành công, nhờ đó có thể mở ra cơ hội điều trị cho các em cùng cảnh ngộ kém may mắn khác”, chị Quỳnh cho biết.
Cuối cùng, vào ngày 16/1/2021, Huân đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 tiếng quan trọng của đời mình. Và chỉ một ngày sau ca mổ, Huân đã có thể đứng dậy tập đi lại. Ca phẫu thuật đã được bác sĩ Yên đánh giá thành công hơn mong đợi. Quanh giường bệnh, các cô điều dưỡng tận tình hướng dẫn em và mẹ cách lau, rửa vết thương. Lần đầu tiên trong đời, thằng bé Huân cảm thấy ngượng ngùng và bẽn lẽn khi thấy có nhiều người yêu thương, chăm sóc mình đến vậy.
“Mọi người ở khoa Nhi vừa mừng vừa lo cho Huân. Mừng vì ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp, nhưng cũng lo vì mổ xong, vài tuần nữa cháu bé mới quay lại đây tái khám”, chị Đoàn Thị Thu Thanh – Phó trưởng điều dưỡng khoa Nhi Bệnh viện FV chia sẻ. “50% thành công của ca mổ phụ thuộc vào quá trình chăm sóc hẫu phậu. Hy vọng bé về nhà nhớ cách tự vệ sinh vết mổ những lúc không có mẹ ở bên”.
Vì Huân vẫn cần tiếp tục điều trị để hoàn thiện cơ thể nên tạm thời em vẫn phải đeo túi đựng chất thải bên người. Thương em, các cô điều dưỡng ở khoa Nhi Bệnh viện FV đã góp tiền mua chiếc đai đeo hậu môn cùng bộ túi cao su mới cho Huân, thay cho bịch ni-long em hay đeo bên người.
Sau bốn ngày nằm viện, món quà bất ngờ của các cô điều dưỡng cũng đã kịp theo chân cậu bé nghèo về lại bản làng ở Đak Lak. Một ngày rất gần thôi, Huân sẽ được quay lại bệnh viện để tiếp tục hành trình được chữa lành của mình.
Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được một tuổi thơ hạnh phúc, nhưng từng ngày một ít, mỗi người trong chúng ta có thể chung tay chữa lành những khiếm khuyết bẩm sinh mà tạo hóa trớ trêu đặt lên các em.